Phần 4: Luôn tìm phương án, giải pháp để giải quyết vấn đề

Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ viết tiếp phần 4 trong danh mục: chia sẻ cá nhân về ngành nội thất này của mình. Rất vui nếu các bạn có thể comment bất kì chủ đề gì trong các post vì mình sẽ tìm được thêm chủ đề gì đó để viết :))). Thật sự tìm chủ đề để viết không khó nhưng một chủ đề có thể làm mình tập trung truyền tải những điều mình thấy hữu ích cũng làm mình mất kha khá thời gian.

Có bao giờ bạn gặp 1 trường hợp kiểu như: bạn đặt hàng 1 sản phẩm nội thất, khi nó vận hành thì có một số bất cập và bạn thấy không thoải mái vì điều đó, nhưng khi bạn hỏi nhà cung cấp thì chỉ nhận lại câu trả lời rằng: “kiểu thiết kế nó vậy nên nó sẽ như vậy á anh ơi”.

Đôi khi mình cũng gặp những trường hợp như vậy và bản thân mình cũng đã từng trả lời như vậy khi đứng ở vị trí nhà cung cấp. Dần dần, mình mới nhận ra rằng, có những thứ mình thấy nó là vấn đề nhỏ, nhưng đối với khách hàng thì nó lại là một vấn đề lớn, hoặc đơn giản đó là một vấn đề mà người họ đặt hàng không giải quyết được mà chỉ trả lời theo kiểu vô thưởng vô phạt và đem lại một cảm giác không vui vẻ gì cho khách hàng.

Vậy nên, hôm nay mình xin phép viết về vấn đề nhỏ như vậy:

Đây là vấn đề phổ biến – cánh cửa tủ bị đập vào tường, đập vào cửa kính

Đây là 1 vấn đề mình thấy rất phổ biến vì thường các thiết kế bây giờ đều thiết kế tủ liền tường, nên ở tủ ngoài cùng giáp với tường, việc mở cửa ra và bị đập vào tường là sẽ xảy ra. Bản lề tủ thông thường sử dụng có góc mở 110 độ, nên không thể tránh khỏi. Ngày trước, vị trí nào có cánh tủ đập vào tường, mình sẽ dán một miếng nút đệm cao su 3M vào tường (hoặc cửa) để khi đập vào sẽ không bị vỡ cạnh tủ và hư tường – như một biện pháp chữa cháy tạm thời.

Lúc trước, mình sẽ chữa cháy bằng việc dán các nút đệm cao su vào tường hoặc vào cửa để giảm độ va đập, tuy nhiên, qua thời gian, nút cao su này có thể ố vàng gây mất thẩm mỹ, hoặc rơi xuống, và không dùng ở nơi nếu tủ tiếp giáp với vách thạch cao và kính được

Ngày trước, mình làm chung cư, vì chỉ có trường hợp tủ tiếp giáp với tường thôi nên mình không quan tâm đến vấn đề này lắm, chỗ nào cửa va trúng tường thì cho một nút đệm cao su là xong. Sau này, khi làm văn phòng, có nhiều trường hợp hơn, tủ tiếp xúc với kính, với vách thạch cao, nên không thể dán nút cao su lên kính hay cửa được, mà cần phải điều chỉnh góc mở của cửa chỉ dừng ở góc khoảng 70 đến 80 độ.

Trường hợp cửa mở sẽ va vào vách kính

Ở đây, giải pháp là mình dùng tay nâng cánh tủ compa (bản lề compa). Thực ra, đây không phải là ý tưởng của mình, mà của một anh giám sát. Mình mua về và test thử thì cảm thấy rất phù hợp và dường như giải quyết được vấn đề đang gặp phải.

https://youtube.com/shorts/vqLGe85kIEw?feature=share
Đây là video mình test cái tay nâng compa (hay còn gọi là bản lề compa), mình đã điều chỉnh góc mở cửa nên khi mở ra cửa sẽ không đập vào vách

Đây là các hình ảnh mình lắp bản lề compa vào tủ

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể lên google để tìm các cách khắc phục những lỗi mình đang gặp phải, về vấn đề này mình nhớ là không tìm được cách khắc phục ở các trang web tiếng việt. Nên mình đã dịch sang tiếng anh để xem thử bên nước ngoài họ có giải pháp nào không. Mình tìm thêm phương án một phần là để học hỏi trau dồi kinh nghiệm và biết đâu có thể tìm được cách khắc phục vấn đề này một cách chuyên nghiệp, nhìn cool hơn cái bản lề compa này chẳng hạn.

Và mình tìm được sản phẩm này ở các trang web nước ngoài – sản phẩm có tên : Stainless steel cabinet door restraint kit. Sản phẩm này tốt hơn bản lề compa ở chỗ là nó mảnh mai nhìn thẩm mỹ hơn nhưng vẫn ổn định về độ cứng, mà nó không làm nặng cửa khi đóng vào như bản lề compa (bản lề compa sẽ có xu hướng phản lại 1 chút lực đóng cửa). Tuy nhiên mình không tìm thấy chỗ mua sản phẩm này ở VN và chắc nó mắc tiền hơn bản lề compa

Video hướng dẫn lắp door restraint cord

Vậy, điều mình mong muốn truyền tải ở đây là gì ?

Là một người làm quản lý chất lượng, có thể bạn sẽ ở xưởng, có thể bạn sẽ ở công trình, và khi có vấn đề, bạn và người chỉ huy trưởng, giám sát phải là những người tìm hiểu các vấn đề đó và đưa ra nhiều phương án giải quyết. Là những phương án cụ thể (nếu có). Tâm lý không phải việc của mình, là việc của người này – người kia – người nọ sẽ làm cho một vấn đề không đi đến đâu cả và chìm vào im lặng, rất nguy hiểm, nên dù là bạn ở vị trí nào, hãy cố gắng là một người có trách nhiệm dù cho môi trường công ty không xứng đáng để bạn cống hiến. Hãy trau dồi và rời đi đúng lúc.

Khi bạn đưa ra phương án, hãy cố gắng đính kèm hình ảnh để người đọc có thể hình dung một cách chi tiết nhất. Không cần bạn phải vẽ đẹp vì QC không phải là người thiết kế. Chỉ cần đúng và đủ

Ở xưởng, người QC là cầu nối giữa phòng thiết kế và xưởng, nếu có sự cố, bạn cần truyền đạt lại 1 cách logic và luôn chuẩn bị được phương án xử lý phù hợp khi được hỏi. Thế nên, dù là vấn đề nhỏ hay vấn đề lớn, hãy luôn quan sát, luôn học hỏi để có thể tìm được phương án phù hợp cuối cùng. Bạn sẽ có được lòng tin của mọi người, của các phòng ban bởi chính kinh nghiệm quý giá, sự trách nhiệm của bạn.

Bài viết của mình xin phép được dừng tại đây, nếu bạn có câu hỏi gì, hay chủ đề gì muốn tìm hiểu xin hãy comment phía bên dưới nhé. Rất cảm ơn các bạn đã đọc. Chúc các bạn nhiều sức khoẻ.

Trường Giang, 05/12/2023

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »