Phần 2: Bước đầu làm quen với công việc giám sát nội thất

Phần 1 mình đã chia sẻ sơ lược về việc bắt đầu công việc này như thế nào, mọi người có thể đọc ở đây nhé 😀 https://qcsofunny.com/2023/12/29/phan-1-toi-da-buoc-vao-nganh-noi-that-nhu-the-nao/. Hôm nay, mình sẽ tiếp tục phần 2, bắt đầu bước vào một dự án và thử việc cho vị trí : Giám sát nội thất dự án ^^.

Sau một hồi lâu bạn thư ký làm thủ tục bảo lãnh cho mình thì cuối cùng mình cũng đã vào đến được công trình. Công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện nên mọi thứ diễn ra rất vội vã. Mùi của sắt thép, xi măng, cát đá tỏa ra rõ rệt mà một đứa hay ngẹt mũi như mình cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Mình bị viêm xoang nên thường chỉ hít thở được một bên mũi, nên dù hít hay thở gì cũng phải hít mạnh, thở mạnh hơn người khác 😀 vì vậy việc cảm nhận và ghi nhớ các cái mùi công trình này cũng mạnh mẽ hơn, rồi những mùi đó nghiễm nhiên trở thành một phần kỷ niệm khi đi làm lúc nào không biết ^_^.

Tiến độ chung của dự án khá gấp rút, nên nhìn mọi người luôn vội vã và căng thẳng. Những ngày tiếp theo cũng không còn ngồi cà phê nữa mà cứ leo lên tới văn phòng ở công trình, pha một gói cafe G7 rồi uống vội xong là lên tầng thôi 😀

Văn phòng ban chỉ huy công ty của mình, nơi mà anh em chia sẻ, giải quyết những vấn đề cùng với nhau. Sáng thì chém gió, uống vội cà phê rồi chia nhau lên tầng, trưa có thêm anh chỉ huy trưởng tới thì mọi người bàn việc, giải quyết vấn đề. Chiều thì họp lại công việc cuối ngày, công việc ngày mai rồi tìm chỗ đi nhậu các kiểu 😀

Ngày đầu tiên học việc, mình được anh chỉ huy trưởng giao nhiệm vụ đi theo anh giám sát tháp A1 để học. Công trình có 2 block, block A (có 3 tháp) và block B, tháp A1 thuộc block A. Công trình đang đi vào giai đoạn hoàn thiện nên cũng đã có thang máy, nhưng thang máy chỉ dừng ở tầng chẵn như 5, 10, 15, 20, 25, 30 và có người lái trong đó. Mỗi lần muốn sử dụng thang bạn phải đứng ở tầng chẵn và tùy thuộc vào tâm trạng của ông lái thang nữa :))). Nếu vui thì cứ tầng chẵn ông lái thang sẽ ghé. Nếu buồn thì lên xuống hai ba chặng gì đó mới tới lượt bạn, hoặc do thang quá đông người thì sẽ hạn chế ghé để đón thêm nữa.

Hai anh em đi bộ từ tầng 4 (là văn phòng của team) lên đến tầng 20 thì dừng. Lúc đó team mình làm từ tầng 20 đến tầng 33 cho block A. Lúc đó mình cũng mập, tầm 82 83kg nên đi 16 tầng quả thật là cũng khá đuối :)) giờ nghĩ lại chắc ông anh muốn test thể lực của giám sát mới coi có đảm nhiệm nổi công việc không :D. Lúc đó mình còn trắng trẻo, lại mập mạp do giai đoạn 2016 2017 bên công ty cũ đa phần là ngồi làm hồ sơ, sếp thì có tâm hồn ăn uống nữa nên lúc nào cũng được ăn ngon.

https://youtube.com/shorts/1yCUyVu4vVI?feature=share
Không liên quan nhưng đây là dáng đi ưỡn ẹo của một ông anh khác trong team. Nói về ông anh này chắc phải mấy bài :))))

Đi dạo 1 vòng quanh tầng 20 để xem các anh thợ đang thi công lắp đặt tủ bếp, thì hai anh em ngồi lại. Anh bắt đầu add mình vào các group zalo cần thiết cho công việc và bắt đầu chia sẻ những công việc cần làm của vị trí giám sát nội thất, mình sẽ list ra các gạch đầu dòng và sẽ nói cụ thể hơn ở các phần sau nhé :

  • Phải biết sắp xếp công việc cho các bạn công nhật. Ngày đó, công nhật ở team mình cũng khá đông, tầm 20 người, phục vụ chủ yếu các công đoạn soạn hàng hóa, sắp xếp và vận chuyển hàng hóa, thu gom hàng hóa dư về kho….v….v. Vì thế, mỗi ngày đều phải sắp xếp công việc cho các bạn công nhật thật cụ thể để chạy việc thật hiệu quả và tránh lãng phí nhân công.

  • Tiếp đến, là phải biết đọc bản vẽ, kiểm tra chất lượng, kích thước của sản phẩm sau khi lắp đặt hoàn thiện để đảm bảo các công đoạn tiếp theo được trơn tru mà không phải chỉnh sửa. Phần này cũng khá là rộng và mình cũng phải tốn kha khá thời gian để có thể bắt nhịp được vì giai đoạn này khối lượng công việc cũng nhiều, chưa thể tập trung 100% vào việc chỉ xem xét thợ lắp đặt thôi được.

  • Biết theo dõi tình trạng hàng hóa đang có trên công trình, món nào đã có ở công trình, món nào chưa có ở công trình cần công ty chuyển ra. Cũng như việc kiểm soát hàng hóa trong một căn hộ để đảm bảo rằng thợ sẽ lắp đủ và không bị thiếu, biết soạn hàng hóa. Cái này là việc của thủ kho nhưng đợt đó công trình nóng quá thủ kho chạy mất dép :D.

  • Cuối cùng là xử lý tình huống trong quá trình lắp đặt hoàn thiện sản phẩm. Xử lý xung đột trong các mối quan hệ và nhiều nhiều cái nhỏ khác mà đa phần liên quan đến kinh nghiệm và tính huống cụ thể.
Có những lúc mọi thứ thật dồn dập, thầu chính dí, thầu phụ dí, tư vấn giám sát dí….v…v….Những lúc như vậy cần phải bình tĩnh, chậm rãi suy nghĩ để sắp xếp các thứ tự công việc sao cho phù hợp nhất. Càng rối hay chạy theo chỉ đạo của bên này bên kia sẽ không thể nào giải quyết triệt để vấn đề được

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »