Phần 2: Một số điểm nên lưu ý khi thiết kế thi công tủ bếp

Xin chào các bạn, hôm nay mình xin tiếp tục chia sẻ góc nhìn của mình về việc QC furniture (quản lý chất lượng nội thất) cần có các kỹ năng nào nhé. Các bạn có thể đọc phần 1 tại link này nha: https://qcsofunny.com/2023/11/26/goc-nhin-ca-nhan-nganh-qc-noi-that-_-phan-1/.

Hôm nay, có lẽ mình sẽ chia sẻ các tình huống cụ thể khi thiết kế và thi công tủ bếp, được đúc kết từ những lần mình gặp phải nên có lẽ sẽ có nhiều hình ảnh hơn, mình sẽ phân ra thành nhiều hạng mục và các điều cần lưu ý của từng hạng mục nhé. Thật ra mà nói, sẽ có rất nhiều rất nhiều điều lưu ý nho nhỏ khác nhau, nên ngoài những điều mình chia sẻ, các bạn cố gắng tích góp thêm nhiều điều nữa bằng việc quan sát trong quá trình thi công nha. Đầu tiên mình chia sẻ về các vấn đề của tủ bếp nhé.

Công việc quản lý chất lượng của mình đa phần là mình kiểm tra sản phẩm ở xưởng. Tuy nhiên, ở bài viết này, mình muốn chia sẻ những tình huống mình gặp trên công trình nhiều hơn vì mình nghĩ khâu chuẩn bị (từ lúc lên thiết kế, chuẩn bị thi công) nếu được chuẩn bị tốt thì khâu kiểm tra sản phẩm ở xưởng cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Nên phần này mình xin phép dẫn ra các tình huống thực tế trên công trình nhé.

  • Vật liệu thi công tủ bếp, theo mình nghĩ, tủ bếp thông thường mình có thể vật liệu ván MFC hoặc MDF chống ẩm là được. Tuy nhiên, vị trí tủ chậu rửa chén, chúng ta nên làm bằng vật liệu chịu được nước như gỗ nhựa hoặc inox, để tăng tuổi thọ của sản phẩm nhé. Vị trí tủ này rất hay bị ẩm ướt nên việc đấu nối hệ thống cấp thoát ở vị trí này rất quan trọng, phải được lắp đặt kỹ và kiểm tra tình trạng có xì nước không sau khi lắp đặt.
  • Khi tủ bếp của chúng ta có sử dụng các thiết bị bếp đi kèm, hãy lưu ý bố trí các nguồn điện, hoặc hệ thống cấp thoát nước cho các thiết bị đó trước khi lắp đặt tủ bếp nhé. Ví dụ, lắp đặt máy rửa chén thì các bạn phải tìm hiểu kỹ thông số của máy, hoặc cung cấp máy của bạn (nếu có sẵn) cho đơn vị thiết kế, thi công để họ lưu ý.
Như các bạn thấy ở hình trên, mình có khoanh 3 ô khác nhau với nội dung như sau: ô màu đỏ các bạn thấy 2 nguồn điện chờ là nguồn cung cấp cho đèn led và máy hút mùi. Ô màu vàng là nguồn điện cung cấp cho bếp từ và lò nướng, ô màu xanh là ống cấp thoát nước để kết nối với bồn rửa chén.
  • Khi lắp đặt đồ nội thất liền tường như tủ bếp, sẽ có những vị trí chúng ta không thể làm kín khít được do tính chất của công trình (tường bị nghiêng, trần không phẳng, nền không phẳng). Nên chúng ta lưu ý khi thi công nên bổ sung thêm các thanh gia giảm, chỉ nóc, len chân như hình bên dưới. Phần này thuộc về thiết kế nhiều hơn nhưng nếu hiểu cơ bản về các vị trí này cũng sẽ giúp bạn hoàn thiện hơn về kiến thức khi mua tủ bếp hoặc thiết kế tủ bếp cho ngôi nhà của mình.
Các vị trí tủ bếp tiếp giáp với tường, với trần và sàn sẽ có các thanh đi kèm với tên gọi như trên hình. Mục đích làm cho sản phẩm của bạn được kín khít với tường, trần, sàn tạo nên một cảm giác liền lạc, không có khe hở.
  • Đối với mình, một sản phẩm tốt là một sản phẩm đạt được độ thẩm mỹ và cả công năng sử dụng của nó. Tủ bếp hay đồ nội thất nào cũng vậy, sẽ luôn có các kích thước tiêu chuẩn để khách hàng cảm thấy thoải mái và tiện lợi khi sử dụng, vì thế bạn cũng nên lưu ý nhé. Như một hệ tủ bếp dưới quá thấp có thể làm bạn không thoải mái khi đứng làm bếp, rửa chén và một hệ tủ bếp trên quá cao sẽ làm bạn rất khó lấy các đồ đạc bên trên. Vì thế, hãy xác định rõ nhu cầu của mình cũng như trải nghiệm sản phẩm trước khi mua hay làm gì đó nhé. Bạn có thể ra showroom để trải nghiệm sản phẩm, hoặc bạn có thể áng chừng ngay tại nhà để xem tư thế làm bếp ở cao độ nào là phù hợp với mình.

Độ thoải mái khi trải nghiệm sản phẩm rất quan trọng (giống như khi bạn mua giày dép, mắt kính bạn đều phải mang vào đi vài vòng vậy đó). Nên hãy lưu ý về độ thoải mái khi mua bất kì món đồ gì nhé

  • Việc bố trí các vật dụng, thiết bị trong bếp cũng rất quan trọng, vị trí bếp từ, vị trí bồn rửa chén, vị trí nồi cơm, lò nướng, máy rửa chén…v…v mọi thứ cũng cần được lưu ý để bạn có thể thao tác một cách trơn tru và thuận tiện nhất có thể. Như hình bên dưới là một vấn đề mình gặp phải khi thi công.
Mình bố trí lò nướng và máy rửa chén quá gần nhau nên khi mình mở máy rửa chén thì bị cấn vào tay nắm của lò nướng. Vì vậy khi bố trí các thiết bị bếp, các bạn nhớ lưu ý về việc sắp xếp vị trí sao cho phù hợp nhé.
  • Lựa chọn phụ kiện khi lắp đặt tủ bếp cũng là một điều rất quan trọng. Vì tủ bếp là nơi bạn sử dụng thường xuyên, vì thế phụ kiện của các hãng lớn và uy tín sẽ giúp cho tuổi thọ của sản phẩm được lâu hơn. Phụ kiện mình nói tới ví dụ như bản lề tủ bếp (nên dùng hafele, blum hoặc dtc, ivan cũng được tuỳ ngân sách). Tương tự như ray trượt cho các hộc kéo cũng vậy. Ngoài ra thì còn các phụ kiện bếp như kệ tủ đồ khô, kệ đựng gia vị, kệ đựng xoong nồi, giá treo chén dĩa, thùng gạo âm tủ…v…v. Bếp là một nơi rất quan trọng trong gia đình, nên khi thiết kế, thi công một căn bếp, các bạn hãy thật lưu ý về cả vấn đề thẩm mỹ cũng như công năng nhé.

Hiện tại bài viết cũng khá dài rồi nên mình xin tóm tắt lại nhé, nếu các bạn cần tư vấn có thể liên hệ mình trong phần contact để cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến nội thất nhé. Link contact của mình https://qcsofunny.com/contact/.

  • Lưu ý về vật liệu thi công tủ bếp, hay các nội thất khác, khi sử dụng ở môi trường có độ ẩm cao, các bạn không nên làm gỗ công nghiệp mà nên làm gỗ nhựa để tăng độ bền sản phẩm. Ví dự như tủ chỗ bồn rửa chén, tủ lavabo trong nhà tắm.
Ví dụ tủ lavabo trong nhà tắm cũng nên chọn vật liệu chống nước
  • Lưu ý trước khi lắp đặt hoàn thiện tủ bếp, phải chắc chắn rằng các hệ thống điện, cấp thoát nước đã được chờ sẵn đúng vị trí để khi lắp đặt chúng ta chỉ việc kết nối nguồn chờ với các thiết bị là xong. Tránh việc khi lắp xong thì phát hiện ra thiếu nguồn điện cấp cho thiết bị này thiết bị kia, thiếu đường ống thoát nước cho máy rửa chén, thiếu nguồn điện cho đèn led tủ bếp, thiếu nguồn điện cho lò nướng, tủ lạnh,….v…..v
  • Với các vị trí tủ được lắp đặt nằm lọt lòng trong tường, phải có biện pháp trừ hao khi lắp đặt bằng các thanh gia giảm để khi lắp đặt không bị cấn trong trường hợp tường bị xéo, bị nghiêng, tránh việc tranh cãi giữa phần nội thất và phần xây dựng nhé. Giống như việc mình mua một cái quần vậy, vòng bụng mình phù hợp chiếc quần size 32, thì mình mua chiếc quần size 33 và kết hợp với dây nịt chẳng hạn, để tránh trường hợp quá vừa khít nhiều khi ăn no sẽ rất chật.
  • Kích thước tiêu chuẩn trong nội thất rất quan trọng. Nên hãy trải nghiệm, ước tính để thấy thoải mái khi bạn sử dụng nhé. Không hẳn là bám theo kích thước chuẩn 100% vì nó luôn có một khoảng ước chừng, ví dụ bạn cao hơn vùng tiêu chuẩn, bạn có thể điều chỉnh lại chiều cao cũng như cao độ của các tủ sao cho phù hợp với bạn.
Nếu không muốn phải đứng tướng như mình hay sự phụ Diệp Vấn khi rửa chén thì phải lưu ý tới chiều cao của tủ bếp nhé
  • Cuối cùng là việc bố trí mặt bằng các thiết bị bếp sao cho phù hợp với cá nhân của bạn để bạn cảm thấy thoải mái, linh hoạt và thuận tiện trong quá trình sử dụng. Và đừng quên chọn những brand uy tín cho các thiết bị, phụ kiện bếp trong nhà nhé.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, chúc các bạn nhiều sức khoẻ :D.

Trường Giang – 27/11/2023 

3 Replies to “Phần 2: Một số điểm nên lưu ý khi thiết kế thi công tủ bếp”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »