Ở post trước mình đã liệt kê ra một số gạch đầu dòng về các công việc cần làm của một người giám sát nội thất, mọi người có thể đọc lại ở đường link sau nhé https://qcsofunny.com/2023/12/30/phan-2-buoc-dau-lam-quen-voi-cong-viec-giam-sat-noi-that/. Tùy theo mỗi công ty mà đầu việc này sẽ ít hơn hoặc nhiều hơn. Ở phần 3 này sẽ đi sâu vô 1 chút xíu về các gạch đầu dòng để dễ hình dung nhé.
- Về đọc hiểu bản vẽ và việc kiểm tra sản phẩm (kích thước) sau khi lắp đặt:
Quá trình thi công một căn bếp thì đầu tiên sẽ là lắp đặt tủ bếp, xong rồi sẽ đến lắp đặt phần mặt đá bếp và cuối cùng là kính bếp. Đối với các dự án cần tiến độ gấp, thì các hạng mục (đá bếp và kính bếp) sẽ sản xuất song song với quá trình thi công tủ bếp luôn. Có nghĩa là kích thước gần như là sẽ được chốt dựa trên bản vẽ. Còn phần nào quá khó không làm trước được mà phải đợi tủ làm xong thì có thể sẽ sản xuất sau hoặc gia công ngay tại công trình.
Tuy nhiên thì dự án này của mình tiến độ gấp, nên phần đá bếp và kính bếp sẽ được gia công dựa trên bản vẽ đã duyệt. Vì thế, là một người giám sát, mình cần đảm bảo được rằng kích thước tủ bếp khi lắp đặt xong phải là kích thước đúng theo bản vẽ đã duyệt để từ đó các phần kính bếp và đá bếp lắp đặt sau sẽ không bị ảnh hưởng.
Ví dụ như hình trên – mũi tên xanh số 1, Nếu tủ bếp mình khi làm xong kích thước không đúng bản vẽ, thì tủ sẽ bị ngắn hơn kính hoặc dài hơn kính. Tương tự như mũi tên xanh số 2 cho phần đá bếp.
Và đối với mũi tên số 3, Nếu tủ mình làm dài hơn so với bản vẽ thì phần lọt lòng của ô số 3 sẽ bị bóp nhỏ lại, có thể ảnh hưởng đến phần tủ lạnh mua sau này.
- Về việc sắp xếp công việc cho các bạn công nhật mỗi buổi sáng, phần này là của thủ kho là chủ yếu mà do đợt này thủ kho chạy mất dép nên team mình làm luôn 😀
- Công việc còn lại là về kiểm tra chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành công việc lắp đặt, chỗ nào đạt, chỗ nào chưa đạt, vì sao chưa đạt, cần phải xử lý thẩm mỹ (xử lý defect) như thế nào. Và bên cạnh đó là nghiệm thu với tư vấn giảm sát, nghiệm thu với chủ đầu tư và bàn giao cho khách hàng.
Tùy theo quy mô công trình, tiến độ dự án mà công việc của người giám sát nội thất sẽ có thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, phần lớn sẽ là những công việc như mình vừa nêu ở trên. Là một người giám sát, bạn gần như sẽ phụ trách phần lớn các công việc nên kĩ năng sắp xếp các công việc là một điều rất quan trọng. Dù chỉ là những việc sắp xếp nho nhỏ thôi nhưng nhiều việc được sắp xếp, chuẩn bị trước sẽ cho bạn rất nhiều thời gian để làm việc khác hoặc xử lý các tình huống phát sinh khác:
- Khi nhận được một bản vẽ, hãy ghi lại một số kích thước cố định của từng căn hộ vào sổ tay (ví dụ chiều cao tủ dưới, chiều cao tủ trên, chiều cao kính,….v…v để khi cần bạn có thể kiểm soát ngay những chi tiết đó mà không cần phải lật bản vẽ. Hoặc ghi lại những đặc điểm lưu ý của từng căn hộ để có thể nhận biết ngay khi có lỗi sai
- Sẽ có những việc cần làm, cần thay đổi, cần lưu ý trước khi làm và bạn không phải lúc nào cũng có mặt để nhắc nhở, cầm tay chỉ việc. Vì vậy hãy cố gắng truyền đạt bằng nhiều cách, nói miệng không thấm thì chịu khó list ra một tờ giấy và gửi lại cho thầu phụ, hoặc ghi thẳng vào bộ bản vẽ của thầu phụ. Có những thứ chỉ tốn một chút thời gian thôi nhưng nếu không chịu khó thực hiện thì sẽ đánh đổi bằng rất nhiều hệ quả.
- Hàng hóa trong căn hộ nên sắp xếp ngay ngắn, theo thứ tự hợp lý kiện hàng dưới to, kiện hàng trên nhỏ hơn để tránh việc làm hư hỏng, cong vênh hàng hóa nhé. Và trước khi thợ tháo bao bì ra chúng ta nên kiểm tra và đảm bảo rằng hàng hóa đã được chuyển đầy đủ vào trong căn hộ để tránh tình trạng thiếu hàng không lắp được nhưng đã bị bung ra. Rất rất khó kiểm soát sau này.
- Tiếp theo là những vấn đề phối hợp trên công trình giữa các bên để công việc được chạy nhịp nhàng và không có sự cố. Để làm được điều đó thì trước khi lắp đặt các bạn phải kiểm tra được mặt bằng đã đủ điều kiện để lắp chưa. Ví dụ: Phần ống nước cấp, thoát của tủ bếp đã nằm đúng vị trí chưa. Phần dây điện cho bếp từ, máy hút mùi, đèn led đã được chờ sẵn chưa. Phần ống mềm hút mùi đã có chưa. Các phần tường đã được sơn bả hoàn thiện chưa.
Dù là công việc gì cũng vậy, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều thời gian rảnh để chuẩn bị cho những việc khác hơn. Trên công trình sẽ có rất rất nhiều việc phát sinh trong 1 ngày. Nếu chuẩn bị không tốt thì sẽ có rất nhiều vấn đề. Căn hộ thiếu hàng hóa, thợ gọi. Căn hộ chậm tiến độ, thầu chính gọi. Căn hộ bừa bộn, thầu chính gọi. Mặt bằng chưa đạt yêu cầu để lắp đặt, bạn gọi thầu chính. Rồi còn rất nhiều thứ khác liên quan đến sửa defect, nghiệm thu….v….v.
Vì vậy, thất bại trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Mọi người hãy cố gắng sắp xếp công việc thật hiệu quả nhưng cũng đừng quên cân bằng trong cuộc sống nhé. Mình không phải một người giỏi cân bằng giữa công việc và cuộc sống nên đôi lúc cũng rất mệt mỏi về những điều này và mang những điều không tích cực về nhà 🥲
Mình xin phép kết thúc bài viết ở đây vì cũng đã dài rồi. Nếu mọi người có thắc mắc gì thì hãy comment ở phía dưới nha. Cảm ơn các bạn đã đọc