Phần 1: Các kỹ năng để trở thành người quản lý chất lượng (QC)

Xin chào các bạn, lời mở đầu này được viết sau khi mình đang viết bài này được vài dòng và mình nghĩ là bài này mình sẽ viết dài á vì mình mong muốn truyền tải những gì mình nghĩ một cách tương đối đầy đủ, mình sợ là nếu chỉ viết ngắn gọn thì sẽ không truyền đạt được hết những gì mình muốn nói. Vậy nên, mình chỉ muốn nói là bài này sẽ dài, có lẽ mình sẽ chia ra nhiều phần, và cảm ơn các bạn vì đã đọc.

Mình không phải là một người xuất thân từ ngành nội thất, mình học xây dựng dân dụng và công nghiệp. Rồi năm 2017, mình có cơ hội vào làm ở một công ty chuyên về nội thất cho dự án – lắp đặt tủ áo, tủ bếp, tủ giày,…v…v…cho các căn hộ của dự án trước khi đến tay của khách hàng. Đó là khoảng thời gian quý giá để mình tiếp cận được gần hơn về các sản phẩm nội thất và trở thành một người làm công việc Quản lý chất lượng ngành nội thất. Công việc trước năm 2017 của mình là làm về hồ sơ KCS, hồ sơ chất lượng và một phần hồ sơ thanh quyết toán cho công trình, tuy nó không liên quan đến ngành nội thất nhưng việc làm hồ sơ đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự cẩn thận và thời gian đó thực sự đã giúp mình rất nhiều về việc thay đổi cách làm việc của bản thân mình, mình may mắn có những người anh đã giúp đỡ, đã la rầy từng chút một về cách trình bày của mình, và mình cảm thấy rất biết ơn về điều đó.

Lúc này là làm công trình Long Thới (Nhà Bè) nè. Thấy nhiều bò quá nên thấy lạ bèn chụp lại, công trình nào cũng nhiều kỉ niệm và học được nhiều điều để hoàn thiện bản thân lắm. Quan trọng mình phải chịu khó học nè và phải hạ cái tôi xuống trong trường hợp mình thấy nó phù hợp nhé !!

Vậy, theo góc nhìn của mình, QC furniture (quản lý chất lượng nội thất) cần có các kỹ năng nào – mình sẽ liệt kê theo góc nhìn cá nhân nên có thể sẽ không thể đầy đủ nhưng mình tin là với các kỹ năng này thì các bạn có thể phát triển rộng ra thêm nữa và sống ổn với công việc này, ở phần này mình xin phép nói những kỹ năng mềm trước nha, mình tính gạch 5, 7 đầu dòng rồi ghi ngắn gọn thôi nhưng mà thấy nó thiếu thiếu :

  • Đầu tiên, chúng ta phải đọc hiểu bản vẽ sản xuất, hiểu từng chi tiết, từng đặc điểm của sản phẩm, vì tất cả mỗi sản phẩm đều có mục đích riêng của nó. Ví dự như một cái tủ áo mình từng kiểm tra cho khách, trong từng hộc tủ của nó, đều có những kích thước riêng để phù hợp từng mục đích riêng, ngăn đựng gậy gold có kích thước khác, ngăn đựng mền gối có kích thước khác, ngăn đựng két sắt của chủ nhà có kích thước khác. Nếu chúng ta làm sản phẩm customize (tức khách có yêu cầu riêng chứ không làm sản phẩm đại trà bên ngoài), bắt buộc chúng ta phải hiểu rõ từng chi tiết một, để đảm bảo sản phẩm làm ra đang đúng với nhu cầu của khách.
Như bạn thấy ở hình trên, tất cả các tủ đều có kích thước tiêu chuẩn riêng, ngăn để đồ dài như áo khoác dài, áo đầm, áo vest dài mình phải làm cao lên để không bị chùn áo, ngăn để drap trên cao cũng phải có kích thước phù hợp. Tương tự tủ làm việc, tủ bếp cũng vậy, tủ làm việc thì ngăn kéo phải đủ để được tờ giấy A4, A3 chẳng hạn, tủ hồ sơ thì phải để được cái bìa còng hồ sơ của bạn, ví dụ cái bìa còng đựng hồ sơ A4 của bạn cao 35cm thì chiều cao cái ngăn tủ hồ sơ phải lớn hơn hoặc bằng 36cm chẳng hạn.
  • Nếu ai làm vị trí QC này, các bạn cũng đã biết vị trí này cũng là một vị trí khá nhạy cảm trong công việc vì đòi hỏi các bạn phải linh động, nhạy bén nhưng cũng phải cương quyết, có chính kiến nhưng vẫn trung hoà được mọi mặt trận  từ phòng kế hoạch, xưởng và công trình. Vì thế, việc các bạn nắm rõ bản vẽ, làm việc bài bản, giao tiếp tốt sẽ giúp các bạn rất nhiều trong cả việc tạo được vị thế trong công việc và củng cố mối quan hệ trong công ty. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, chắc chắn là như vậy, tuy nhiên, trong từng thời điểm, chúng ta sẽ có cách làm mà chúng ta nghĩ là tốt nhất. Vậy nên, làm được điều đó trơn tru, chúng ta phải có kiến thức, chúng ta phải có một cách làm việc khoa học, truyền đạt bài bản và giao tiếp khéo léo.
  • Vị trí này, ở công ty quy mô càng nhỏ, bạn càng phải hiểu biết nhiều và học cách đưa ra quyết định nhiều (thường sẽ thông qua cấp trên nhưng sẽ có những lúc mình phải đưa ra quyết định vì có lúc bạn biết đó là điều đúng đắn và kịp thời). Sẽ rất dài dòng để có thể giải thích những lý thuyết của mình, ở các công ty lớn, khi có quy trình làm việc rõ ràng, các bạn không phải suy nghĩ quá nhiều vì có theo một barem mà làm. Tuy nhiên, công ty nhỏ thì lại khác. Vì thế, như mình đã nói, hãy luôn quan sát, hãy luôn học hỏi, luôn tôn trọng, bạn sẽ tìm được câu trả lời.

Hiện tại cũng khá dài và giờ cũng muộn rồi, mình sẽ chia sẻ tiếp góc nhìn của mình về ngành quản lý chất lượng nội thất nói riêng và nội thất nói chung vào ngày mai nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Mình xin tóm tắt lại các ý trên như bên dưới:

  • Đọc hiểu kỹ bản vẽ, từng chi tiết, không được đọc qua loa, hiểu sâu về nó sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết được các điều sai sót nếu có trong quá trình nghiệm thu sản phẩm, và từ đó giúp bạn đúc kết được kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng, kinh nghiệm là một điều rất quý giá, dù là nhỏ nhất.
  • Làm việc bài bản – báo cáo của bạn phải chi tiết, phải có hình ảnh, dù là báo cáo nhanh (qua zalo, qua whatsapp, qua telegram), cũng nên viết ở một ứng dụng kiểu note của điện thoại, vì nó sẽ xuống dòng được, viết xong copy ngược vào zalo, xuống dòng để làm gì ? Để người đọc không đau mắt, để truyền tải một cách chậm rãi và kỹ lưỡng. Và phải có hình ảnh đi kèm để ngưới đọc hình dung. Nhất là khi bạn đang xin ý kiến 1 việc gì đó. Bạn nên ghi theo kiểu ví dụ bên dưới – mình đang nói khi nhắn tin chứ không phải gửi mail báo cáo nhé, gửi mail là càng phải chi tiết hơn ngen:

Ví dụ bạn đánh số 1. Xin ý kiến về việc abc xyz vì đang có sự cố như thế này thế kia (Hình đính kèm sự cố bên dưới – lúc gửi ghi vào hình đó là hình 1 nhé).

Ví dụ bạn đánh số 2. Ý kiến về việc khắc phục abc xyz theo phương án sau đây, các phương án đó bạn có thể tự tìm hiểu trên mạng, hoặc hỏi các anh quản lý ở xưởng, bạn nên tự tìm hiểu trước để biết chắc rằng mình có cái nhìn cơ bản về sự cố mình đang đối mặt (bạn tìm nội dung về sự cố đó bằng cả tiếng việt và cả tiếng anh (google dịch – kiểu how to fix + vấn đề gặp phải). (Xong bạn đính kèm cách khắc phục bằng 1 đường link bạn tìm được hoặc bạn gửi hình về cách khắc phục bạn ghi hình 2 (khắc phục).

Cố gắng tìm ra phương pháp tốt để cải thiện công việc của mình mỗi ngày bạn nhé. Đôi khi công việc không suôn sẻ như bạn mong muốn hoặc không như bạn nghĩ. Hãy cố gắng tìm những niềm vui trong từng khoảnh khắc bạn làm việc, hãy suy nghĩ tích cực khi có thể, để khi rời đi các bạn có thể tích luỹ được gì đó cho bản thân. Sếp cũ mình từng nói, khi mày rời công ty, mày phải học hỏi được gì đó rồi hãy rời công ty chứ, biết rằng mỗi công ty mỗi kiểu, nên mình chúc bạn khi đi tìm một chân trời mới thì trên lưng đã có đầy ắp hành trang gặt hái được từ nơi cũ nhé.

TRỜI ƠI TÓM TẮT CŨNG DÀI NỮA SAO ĐỌC, HÊ HÊ HÊ !!! Cảm ơn các bạn nếu đã đọc đến đây, chào các bạn và chúc sức khoẻ. Nếu mọi người có câu hỏi gì có thể xem liên hệ của mình bên phần contact hoặc comment trực tiếp phía bên dưới nhé

Trường Giang – 26/11/2023.

Translate »