Phần 3: Học hỏi từ những sai lầm và nâng cấp bản thân

Xin chào các bạn, hôm nay mình xin chia sẻ về công việc của mình. Mình nghĩ là nói về công việc cụ thể chắc là sẽ dễ để mọi người hình dung hơn và cũng đỡ nhàm chán hơn nếu xoay quanh nhiều quá về mặt lý thuyết.

Công việc của mình là kiểm tra chất lượng nên phần lớn thời gian mình ở xưởng, ngoài ra thì còn ra công trình để giám sát lắp đặt các hạng mục nội thất. Hỗ trợ team design ra bản vẽ, làm báo cáo kỹ thuật, khảo sát công trình….v…v.

  • Công việc của mình là xuống các xưởng nội thất để kiểm tra hàng hoá. Mình sẽ kiểm tra dựa trên bản vẽ mới nhất đã được chấp thuận từ khách hàng. Chủ yếu mình kiểm tra sản phẩm có làm đúng theo bản vẽ hay không (từ kích thước, màu sắc, kết cấu, vật liệu sử dụng).
  • Đa phần là hàng trong nước nên không có đối chiếu với các tiêu chuẩn kiểm định như test chống đổ, packing test (bộ tiêu chuẩn test ASTM F1561-03/EN 581-1/EU/UL 962….v…v) Tuy nhiên, các bạn vẫn phải kiểm tra được độ cứng cáp của kết cấu, độ rung lắc, độ cân bằng dựa trên việc trải nghiệm sản phẩm nhé.

Trong quá trình kiểm tra, mình đo đạc và chụp hình lại để về làm báo cáo cũng như lưu hình ảnh để đối chiếu qua lại phòng trường hợp có sự cố phát sinh và cần thay đổi thiết kế. Lưu ý kiểm tra kỹ cả bên ngoài, lẫn các hộc tủ bên trong vì như mình nói ở phần 1. Tất cả các hộc tủ sẽ luôn có một mục đích sử dụng riêng.

  • Sau mỗi ngày kiểm tra hàng hoá ở xưởng, tối mình sẽ làm một cái Daily Report. Có những xưởng thì mình chỉ có thể kiểm tra sản phẩm cuối cùng và làm một cái Final Inspection Report thôi. Còn có những xưởng họ cho kiểm tra quá trình gia công sản phẩm mỗi ngày thì mình sẽ có nhiều tư liệu báo cáo hơn ở từng ngày (daily report).
  • Daily Report như một báo cáo hằng ngày, còn Final Inspection Report là một báo cáo nghiệm thu sản phẩm gồm hình ảnh hoàn thiện sản phẩm nghiệm thu, kích thước, chất lượng, và đánh giá : đạt hay không đạt để đưa vào sử dụng.
  • Thật sự mà nói, đôi khi mình cũng hơi sợ làm báo cáo 😀 vì sẽ bị soi nhiều, sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi, sẽ bị la. Tuy nhiên, sau nhiều lần như vậy, mình sẽ học được thêm nhiều thứ, lưu ý thêm nhiều điều qua từng sản phẩm. Cuối cùng, thứ mà làm bạn thấy vui nhất là sự hài lòng của khách hàng. Ai mà không sai phạm, không ai hoàn hảo cả, cố gắng hoàn thiện bản thân mình từng chút một qua những lần mắc lỗi.
  • Mình xin chia sẻ một số lỗi, một số bất cập trong thiết kế mình gặp phải và các lỗi này một phần nào đó cũng thay đổi tư duy mình hơn :

VỀ CON CHỐT DÙNG CHO ĐỢT/KỆ DI ĐỘNG

Có 1 lần lúc mình đi nghiệm thu sản phẩm tủ ở xưởng, các tủ đã làm xong hết và dùng loại chốt dùng cho đợt di động như hình 1 (con chốt rút ra rút vào để đỡ tấm ván). Tuy nhiên, sếp mình không chịu loại này và yêu cầu dùng loại như hình 2,3. Do trong bản vẽ thiết kế không chỉ định dùng loại nào nên cá nhân mình cái nào mà chẳng được, miễn sao lấy ra lấy vô là được rồi.

Mình còn làm báo cáo phân tích ba loại này và cho rằng loại 2,3 (hai hình này cơ bản cùng loại) khoan dễ mẻ ván, đóng vào dễ mẻ ván, tốn kém chi phí do nó cần nhiều vật liệu hơn. Cơ bản mình không muốn thay đổi vì xưởng đã làm xong hết rồi. Giờ nghĩ lại thấy mình cũng như thằng đần vì cố giải thích những thứ nó thuộc về quan điểm, quan điểm của mình là như vậy được rồi, quan điểm của sếp mình là cái đem lại nó phải tiện nghi, dễ dùng, dễ tháo dễ lắp, tốt cho khách hàng. Nhưng một thằng đần như mình lúc đó không thể hiểu được :D.

Sau này, sếp mình giải thích. Loại chốt nào mà chẳng dùng được. Nhưng loại 1, khi gắn vào xong thì nó bám rất chặt, khi khách hàng muốn dời tấm đợt lên cao hơn, khách phải dùng cây kềm để rút cái chốt đó ra và gắn lại. Còn loại 2,3, con chốt có ren vặn, chỉ cần vặn nhẹ và dời lên phía trên vặn lại là xong. Nó nhẹ nhàng, khách hàng cũng dễ thao tác hơn.

=> Vì vậy mình hiểu hơn rằng, khi là 1 người thiết kế thi công nội thất, cũng nên đặt mình vào vị trí của người mua, của khách hàng để có thể hiểu được hành vi/trải nghiệm của họ. Và giá trị hướng tới cho một sản phẩm nên là giá trị lâu dài.

VỀ HÌNH DÁNG CỦA SẢN PHẨM TỪ THIẾT KẾ ĐẾN KHI THỰC TẾ

Nguyên nhân mình bị sếp la ở sản phẩm này là ở phần tay ghế. Trên thiết kế và thi công đang làm tương đối giống nhau tuy nhiên về ngoại hình thì chiếc ghế này không thực sự đẹp về phần tay ghế. Nó đang được tạo hình bởi các lớp mút để có độ nghiêng ra hai bên nhưng nhìn không có vẻ mềm mại, nhìn bị giả giả.

Ý sếp mình là người thiết kế, thi công và bộ phận kiểm hàng nên hiểu được cách tạo thành/ cấu thành sản phẩm để có kết cấu bên trong cho phù hợp và đề cập rõ trong bản vẽ. Như cái tay vịn sofa này nếu có thêm lông vũ tạo thêm độ phồng và hình dáng tay vịn này điều chỉnh lại 1 xíu, để ôm trọn vào phần khung đứng thì sẽ đẹp hơn chẳng hạn.

Hoặc như này là phù hợp. Mình xin phép lấy hình của NỘI THẤT XINH và zSOFA.vn để minh hoạ phần đang nói tới

=> Vì vậy, mình phải hiểu được rõ về sản phẩm, hiểu được cách tạo ra nó, để có thể tư vấn thêm cho team thiết kế về các vật liệu phù hợp để cấu thành nên một sản phẩm. Từ đó, việc tạo ra sản phẩm từ một bản thiết kế sẽ dễ dàng và trơn tru hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hiểu rõ sản phẩm cũng sẽ giúp bạn xử lý các sự cố phát sinh xoay quanh sản phẩm một cách nhanh và chủ động hơn nhiều.

VỀ KÍCH THƯỚC CỦA SẢN PHẨM VÀ MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CỦA KHÁCH HÀNG

Lỗi lần này mình gặp phải là về phần tủ áo, bên trong tủ thì có một phần tủ đựng đồ bên phải khá cao nên có thể sẽ ảnh hưởng đến quần áo của khách hàng khi treo (bị chùn lại, quần áo ko được duỗi thẳng ra hết cỡ do vướng chiều cao tủ). Mình phải dời thanh treo lên sao cho quần áo không bị chùn mà thanh treo cũng không được quá sát phần nóc trên (sẽ làm kẹt khi móc áo vào thanh treo)

Nói về Tủ áo – khu vực treo quần áo của khách hàng cũng là một khu vực cần được chú trọng, vì khách hàng sẽ có quần áo dài, quần áo ngắn, các loại quần áo đi tiệc, áo lạnh. Nên chúng ta phải chú trọng về kích thước của tủ (chiều cao, chiều sâu), khả năng chịu tải của thanh treo (nên chọn loại thanh dày, cứng, có phụ kiện support đi kèm trong trường hợp gia tăng tải trọng).

Tiếp đến là về phần tay nắm cho tủ áo, thiết kế ban đầu của bên mình thì tay nắm cho tủ áo trên nằm ở giữa cánh cửa. Nó quá cao so với người sử dụng ngay cả khi họ leo lên ghế. Nên bắt buộc phải huỷ những cánh cửa đó và làm lại phần tay nắm cho thấp xuống để khách hàng tiện trong việc mở cửa tủ trên.

Hình bên trái là tay nắm tủ trên đang nằm giữa cánh cửa và hình bên phải là sau khi chỉnh lại cho thấp xuống để thuận tiện cho khách hàng

Một lỗi mình gặp tiếp theo ở trên công trình là chiều cao của rèm cửa ban công. Chiếc rèm cửa này cách mặt đất tầm 10cm và điều đó làm cho ánh sáng vẫn lọt vào làm cho khách hàng thấy không thoải mái. Một chiếc rèm được thi công tốt theo mình là sau khi hoàn thiện thì thông thường sẽ cách mặt đất từ 2 đến 3 cm tuỳ trường hợp.

Đến đây mình thấy nội dung cũng khá nhiều chữ rồi nên mình xin phép tóm tắt lại nhé 😀

A. Ở vị trí Quản lý chất lượng cho các công ty, mình thấy đều yêu cầu phải biết làm báo cáo. Thực ra công việc nào cũng cần báo cáo, nhưng ở khối ngành kỹ thuật, báo cáo cần phải chi tiết, chỉn chu hơn từ văn bản cho đến hình ảnh nhằm truyền tải được nội dung một cách kỹ lưỡng và trau chuốt. Vậy nên, hãy nâng cấp kỹ năng của bản thân trong cả việc làm một báo cáo kỹ thuật thật tốt nhé. Bạn có thể tìm kiếm thêm các từ khoá thông qua google để tìm hiểu về cách ghi báo cáo kỹ thuật của QC, checklist nghiệm thu của QC khi đi nghiệm thu sản phẩm như sau:

  • Quality Furniture Inspection Report
  • Quality Furniture Inspection Template/Form/ Report
Hình ảnh ví dụ khi làm báo cáo, để truyền tải nội dung liên quan đến kỹ thuật, chúng ta nên phối hợp giữa văn bản và hình ảnh để mọi người có thể cùng nhìn nhận, đánh giá và kiểm tra chéo để sản phẩm được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất và đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng

B. Các bất cập, lỗi được phát hiện trong quá trình thi công tại xưởng và trên công trình sẽ là những kinh nghiệm quý giá để một người quản lý chất lượng học hỏi tiếp thu. Từ đó, ở những công trình sau, khi nhận được bản vẽ thiết kế sản xuất, người quản lý chất lượng đã có thể phát hiện ra những bất cập, lỗi nếu có bằng những kinh nghiệm đã được tiếp thu ở các dự án trước (đối với các công ty lớn, có thể sẽ là những vị trí như Giám đốc dự án, Chuyên viên QA (quality assurance), Trưởng phòng thiết kế kiểm tra bản vẽ). Tuy nhiên, dù là vị trí nào cũng vậy, học hỏi kiến thức mới không bao giờ là thừa cả. Hãy học hỏi, tiếp thu và xem đó như hành trang để có thể vươn cao hơn trong công việc.

Học hỏi từ những sai lầm của mình, từ những trải nghiệm thực tế

C. Hiểu rõ và không ngừng tìm hiểu sâu hơn về công việc quản lý chất lượng. Như mình đã đề cập bên trên, việc hiểu rõ một sản phẩm được cấu thành như thế nào sẽ giúp bạn kiểm soát được chất lượng hoàn thiện của sản phẩm, hiểu rõ được cốt lõi vấn đề khi có sự cố xảy ra, đánh giá được mức độ rủi ro trong quá trình thi công lắp đặt sản phẩm. Với việc các nền tảng xã hội phát triển, việc thu nhập kiến thức về một sản phẩm nào đó không còn là quá khó nữa. Bạn có thể tìm trên youtube hoặc google theo từ khoá kiểu:

  • Standard size of curtain, standard size of kitchen cabinet, wardrobe (khi bạn muốn tìm hiểu các kích thước tiêu chuẩn của rèm cửa, tủ bếp, tủ áo)
  • How to fix + tên đồ nội thất (khi bạn muốn sửa một món gì đó trong nhà)
  • How to install + tên đồ nội thất (khi bạn muốn lắp đặt một món gì đó)
  • DIY kitchen cabinet, DIY sofa chair, DIY wardrobe (DIY do it yourself khi bạn muốn xem người ta tự làm ra gì đó với các máy móc dụng cụ cơ bản – không phải máy móc chuyên nghiệp, mục đích là mình sẽ hiểu được cốt lõi vấn đề vì khi làm thủ công thì gần như thể hiện đầy đủ các bước hình thành một sản phẩm).

Để củng cố thêm quan điểm trên, mình xin đưa ra 1 ví dụ. Xin lỗi đáng lẽ khúc này phải tóm tắt mà mắc nói quá nên xin nói thêm 1 chút :

Có đợt mình đi nghiệm thu ghế sofa, mọi chi tiết khá ổn nhưng có phần tay vịn sofa đoạn bo cong nhìn không được mượt mà, có 1 chút sần sần như hình khoanh đỏ bên dưới. Mình có yêu cầu chỉnh và xưởng tháo ra sửa lại nhưng cũng chỉ được 8/10. Họ giải thích là do biện pháp thi công để tạo hình theo thiết kế mong muốn thì sẽ có 1 chút khuyết điểm như vậy. Thời điểm này mình không có kinh nghiệm về sofa và xưởng ở đây chỉ cho phép nghiệm thu sản phẩm cuối cùng chứ không xem quá trình.

Hình dáng tổng thể của chiếc sofa mình đang nói đến
Phần tay vịn có những đốm cộm cộm lên nhìn không được mượt mà cho lắm. Dường như là phần cộm của mút vì mút là mút thẳng và khi mình ôm mút theo đường cong thì mút sẽ bị gấp lại theo từng đoạn nhỏ.

Việc tiếp theo của mình là phải giải quyết vấn đề này theo các hướng: sửa triệt để được không hay phải thay đổi thiết kế, hay sửa hết cỡ và chờ phản hồi từ khách hàng, tìm hiểu rõ ra nguyên nhân và cách khắc phục cho các sản phẩm tiếp theo để giải thích cho sếp. May mắn là khách hàng vẫn ok với sản phẩm này mà không phải thay đổi thiết kế, xưởng cũng đã sửa đẹp nhất có thể.

Vậy nên sau đó, mình lên mạng tìm hiểu kỹ hơn về các vết nhăn đó và cách khắc phục nó qua từ khoá DIY Sofa (tự tạo 1 chiếc sofa) – và mình tìm các video có thumbnails hình các chiếc sofa có phần tay được tạo hình cong cong như vậy.

Như mình khoanh đỏ hình bên trái, khi tấm mút ôm theo phần cong của tay vịn, nó sẽ tạo ra các phần nếp bị đùn lại với nhau và khi mình may vải ôm sát vào phần mút này sẽ làm nó cộm lên (như cái hình sofa da nhân tạo của mình phía trên). Ở hình bên phải, người ta sẽ may các phần vải ôm vào lớp mút nhưng không ôm sát, vẫn có độ phồng và xếp li tạo cảm giác bồng bềnh để tránh việc cộm lên như mình đang làm. Mẫu sofa người ta đang làm gọi là sofa Chester Field với đặc trưng là tay cong cong như vậy. Các hình trên mình lấy trong video DIY sofa chesterfield của CHEST’ER trên youtube

=> Vậy nên, xem các video gia công, mình sẽ hiểu rõ hơn phần lỗi mình mắc phải, và mình sẽ có cách khắc phục đúng đắn – như trong trường hợp này là thay đổi một chút về thiết kế, để phần tay có độ phồng nhẹ mà không ảnh hưởng thẩm mỹ chẳng hạn.

Phần bài viết của mình sẽ tạm kết thúc tại đây, nếu các bạn đã xem đến đây, mình xin chân thành cảm ơn rất nhiều. Hãy comment bất kỳ điều gì bên dưới để mình biết nhé :D.

Trường Giang, 28/11/2023.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Translate »